Nghệ nhân hơn 60 năm gìn giữ dòng tranh phố thị

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã có 62 năm làm tranh Hàng Trống. Ông thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín, sau lập nghiệp ở phố Hàng Trống (Hà Nội).

Cụ Lê Xuân Quế, ông nội nghệ nhân Lê Đình Nghiên, khi xưa đã làm nghề tranh. Còn bố của ông Nghiên – cụ Lê Đình Liệu là người tiếp nối. Cả nhà có 7 anh chị em, mà chỉ có mình ông Nghiên theo được nghề tranh gia truyền.

 

 

Ông Nghiên vẽ tranh từ hồi 11, 12 tuổi. Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời ông tới làm việc, với yêu cầu duy nhất – phục chế tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại Bảo tàng. Từ ngày ấy, ông không chỉ làm tranh mà còn kiêm nghề phục chế và chuyên về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ông vẽ, in, sửa chữa tranh theo mẫu cũ và sáng tạo ra tranh mới.

Ông cho biết, tranh Hàng Trống nếu nói chính xác xuất hiện từ năm nào thì đến các nhà nghiên cứu cũng khó xác định, nhưng chắc chắn có từ rất lâu bởi các dân tộc ở châu Á đều có nhu cầu treo tranh ngày Tết vì tâm linh, vì ước vọng. Còn tên tranh đơn thuần nói về địa chỉ – Hàng Trống.

Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này là vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Khi đó, tranh Hàng Trống được bán ở khắp khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống. Mỗi dịp cuối năm, các chiếu tranh Hàng Trống bày bán la liệt ở hè phố, tạo ra một nét riêng cho cái Tết của Hà Nội.

Nét độc đáo đầu tiên của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác nằm ở kỹ thuật. Không như tranh dân gian Đông Hồ – hoàn toàn sử dụng ván khắc hình và màu, các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống chỉ dùng bản khắc nét (ván khắc nét được làm bằng gỗ mềm, lồng mực hoặc gỗ thị). Công đoạn vẽ màu được thực hiện sau khi in bản nét.

“Rất nhiều chi tiết đòi hỏi nghệ nhân phải có bút pháp”, ông Nghiên nói.

Màu sắc cũng tạo nên nét đặc trưng của tranh Hàng Trống. Các màu đứng cạnh nhau đều có luật và nguyên tắc riêng. Sau bao nhiêu năm, từ khi nghệ nhân còn là đứa trẻ sống trong môi trường nhìn thấy tranh quanh năm, và khi tô màu các bức tranh đầu tiên, tới hàng chục năm sau thì hình thành nên một phản xạ đặt màu trong tranh để lên được hiệu quả màu cần thiết, cân bằng giữa màu nóng – màu lạnh đúng theo triết lý cân bằng âm – dương.

Màu sắc trong tranh Hàng Trống được các nghệ nhân xưa sử dụng rất điêu luyện, nhuần nhị. Chỉ với 6 màu: xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ điều, đen và trắng, họ đã tạo nên một thế giới vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm. Tất cả những màu sắc này đều được chưng cất, chế tạo từ những vật liệu tự nhiên.

Tranh Hàng Trống được vẽ theo nhiều chủ đề – từ tranh thờ, tranh chơi tết cho đến tranh của các nhân vật trong truyện, tranh thế sự… Do đó, họa tiết cũng rất phong phú.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên kể, công việc vẽ và phục chế tranh dân gian của ông bận rộn quanh năm chứ không chỉ vào dịp Tết như các cụ ngày xưa. Xã hội càng phát triển, càng xuất hiện nhiều dòng tranh khác nhau, nhiều cách chơi khác nhau. Thế nhưng với những nét vẽ mộc mạc, truyền thống và gần gũi với người Việt, tranh Hàng Trống vẫn tồn tại vững bền.

“Gia đình tôi còn giữ lại được tương đối nhiều mẫu tranh, các mộc bản. Bản thân tôi suy nghĩ, còn nhiều người thích dòng tranh này, thì càng phải bám chặt cái nghề mà ông cha để lại. Đó cũng là lý do tôi theo đuổi làm tranh đến ngày hôm nay”, ông nói.

Trước đây, đã có lúc giới trẻ nhìn nhận chơi dòng tranh này chỉ dành cho người lớn tuổi, hoài niệm về ngày xưa. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, rất nhiều bạn trẻ, có người chưa tới đôi mươi rất hứng thú với dòng tranh này.

“Tôi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, họ hỏi tôi nhiều về tranh Hàng Trống, rồi cảm nhận sự ấm cúng của tranh mà mang về treo trong nhà”, ông chia sẻ. Đã có bạn trẻ mang bức tranh của gia đình treo từ vài chục năm cũ mờ, rách nát đến nhờ ông phục chế.

Giờ đây khi tuổi đã cao, nghệ nhân Lê Đình Nghiên lại dồn hết tinh hoa truyền lại cho con trai. “Gia đình tôi có nhiều đời làm tranh nhưng nghề này rất kén người làm, đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, kiên trì, khéo tay, thật sự đam mê mới làm được. Học lâu, khó truyền mà cũng khó kiếm ăn, nhưng tôi vẫn cố gắng hướng cho con giữ gìn được nét đẹp dân gian này y như cha tôi từng truyền dạy cho tôi”.

Trong căn nhà hẹp nơi ngõ nhỏ, những bức tranh Hàng Trống được treo khắp nơi, nào là tranh tết, tranh thờ, tranh đời sống lễ hội của Bắc Bộ như “Cá chép trông trăng”, “Tố nữ”, “Ngũ hổ”, “Tứ bình”… Cuộc trò chuyện đôi lúc gián đoạn vì khách tới đặt tranh, lấy tranh có đủ già, đủ trẻ.

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Nay, Tết đến Xuân về, thú chơi tranh dân gian vẫn được tiếp nối.

Thái An – Xuân Quý – Bạt Tuấn – Phạm Hải – Huy Phúc

Thiết kế: Huệ Nguyễn

Nguồn: Vietnamnet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *