Nghệ Nhân Tranh Dân Gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên

Tranh Hàng Trống đã từng là món ăn tinh thần một thời của người Hà Nội, và nói chung là của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Hơn nữa, ảnh hưởng của nó còn lan rộng tới cả miền núi xa xôi, hẻo lánh. Trước Cách mạng tháng Tám (1945) chính quyền thực dân có lúc bắt các thợ tranh Hàng Trống phải in them dòng chữ “Pháp – Việt đề huề” trên tranh của mình nhằm ý đồ tuyên truyền chính trị. Sức sống của dòng tranh dân gian của người Hà Nội quả là mạnh mẽ! Vậy mà những người thợ tài hoa của dòng tranh Hàng Trống, tác giả của “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, “Tứ Quý”, “Tứ Bình”, “Chợ Quê”, “Bà Chúa Thượng Ngàn” … bây giờ đang ở đâu? Ai là người kế tục? Khi trên hè phố Thủ đô mỗi ngày được bày bán nhiều thêm những tranh, ảnh, lịch hiện đại của Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản

Thật may mắn, dòng tranh Hàng Trống tuy không còn rộn ràng, rực rỡ như xưa, nhưng vẫn ưu ái để lại một “hoa tay” dường như duy nhất trên đất Thủ Đô ta: nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Người thợ tranh Hàng Trống này ở số nhà 22A phố Cửa Đông – Quận Hoàn Kiếm. Ông thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình vốn có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín (Hà Tây) những đã lập nghiệp ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Cụ Lê Xuân Quế, ông nội nghệ nhân Lê Đình Nghiên, khi xưa đã làm tranh. Còn bố của nghệ nhân này là ông Lê Đình Liệu tiếp nối. Đến ông Nghiên, cả nhà có 7 anh chị em, mà chỉ có một mình ông theo được nghề tranh gia truyền.

Nghệ Nhân Lê Đình Nghiên

Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông tới làm việc, với một quyết định biên chế chính thức và với một yêu cầu cụ thể duy nhất: phục chế tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại bảo tàng.

Từ ngày ấy, Lê Đình Nghiên không chỉ làm tranh mà còn kiêm nghề phục chế tranh và chuyên về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ông vẽ tranh, in tranh, sửa chữa tranh theo mẫu cũ. Nhưng không dừng ở đấy mà còn sáng tạo ra tranh mới. “Kéo co” là bức tranh do ông sáng tạo, rất tiêu biểu, đã đóng góp them cho dòng tranh Hàng Trống một tác phẩm mới. Câu chuyện về làm bức tranh này đã thành một giai thoại. Số là vào những năm 1968 – 1970, Lê Đình Nghiên làm tranh theo hợp đồng với XUNHASABA (Công ty xuất nhập khẩu sách báo) có một khách hàng ngoại quốc đặt mua tranh “Rồng rắn” và tranh “Bịt mắt bắt dê” song không hiểu vì sao lại ghi nhầm thành tranh “Kéo co”.

Xưa nay chưa hề có khuôn tranh này thế mới rắc rối! Lê Đình Nghiên cùng với thân phụ của ông là cụ Lê Đình Liệu đã sáng tác ra khuôn mới để có được tranh “Kéo co” theo như hợp đồng.

Tranh “Kéo co” phỏng theo bức tranh “Bịt mắt bắt dê” xem kỹ thì thấy: phần vẽ nhà và người ngồi xem vẫn được giữ nguyên, còn đám trẻ con và con dê được thay bằng trò chơi kéo co. Mười đứa trẻ thơ ngây, xinh xắn, để đầu tóc trái đào, áo thụng, đi hài, chia thành hai phe kéo co và chưa phân thắng bại…

Thế là từ một sai sót trong thủ túc hành chính trong hợp đồng mua bán như thế đã thúc đẩy nghệ nhân sáng tạo ra tác phẩm mới, một đóng góp mới cho dòng tranh dân gian Hàng Trống của chúng ta. Trò chơi kéo co trong dân gian, một loại hình thể thao thượng võ cổ truyền đã đi vào tranh dân gian một cách thú vị như thế!

(Trích theo Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam – Ths Bùi Văn Vượng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *